Câu chuyện về dòng họ Morin bắt đầu một cách cổ điển : vào cuối thế kỷ 19, Arthur Morin cùng anh trai, người gốc Arbois thuộc dãy núi Jura, tình nguyện đến làm nghĩa vụ quân sự ở xứ Bắc kỳ – Việt Nam. Cả hai người là anh lớn trong một gia đình nghèo gồm bảy người con. Hết hạn quân ngũ, họ quyết định ở lại định cư tại đất nước mới mẻ này, nơi mà mọi thứ phải làm từ đầu và chuyển toàn bộ gia tộc đến Đông Dương. Đầu tiên là Emile và Laure Morin, rồi Wladimir và Amélie năm 1898.
Gia đình tái hợp lại trong điều kiện kinh tế khó khăn: hai người em trai trẻ nhất và hai cô em gái làm việc trong các cơ sở thương mại với tiền lương chỉ vài đồng Đông Dương: cửa hiệu Honoré Debeaux ở Hải Phòng và cửa hiệu Godart ở Hà Nội. Emile, làm cảnh sát ở Hà Nội, dùng một phần thu nhập của mình phụ giúp gia đình. Từ những giai đoạn khó khăn này đã làm gia đình thêm đoàn kết, tạo nên sức mạnh của cả tập thể và đó là một trong những nét nổi bật của gia đình Morin. Ngoài ra, những ai đã từng tiếp xúc với họ cũng ấn tượng bởi sự say mê trong công việc và tinh thần đón tiếp của họ.
Năm 1902, Emile, Wladimir, Laure và Amélie đến định cư ở Tourane (Đà Nẵng ngày nay) để tiếp quản cơ sở kinh doanh của ông Gassier, trải dọc theo bờ sông Tourane (sông Hàn ngày nay). « Société Morin Frères» (Công ty anh em Morin) được hình thành chính từ thời điểm này. Wladimir, với phẩm chất của một nhà tổ chức và năng khiếu kinh doanh bẩm sinh, chính là nhân tố quan trọng của chặng đầu thành công này.
Chỉ trong vài năm, doanh nghiệp trở nên thịnh vượng đến nỗi họ đã mua lại và trở thành những người sở hữu của Grand Hôtel Guérin de Hué.
Là khách sạn duy nhất ở Huế vào thời đó, tòa nhà này đã được xây dựng năm 1901 bởi ông Bogaert, sĩ quan đã từng tham gia đánh chiếm Huế năm 1885. Sau khi giải ngũ, Bogaert đã lao vào kinh doanh bằng cách mua nhà máy gạch ngói Long Thọ, một nhà máy đã từng sản xuất, trong suốt gần hai thế kỷ, các vật liệu cần thiết cho việc xây dựng các cung điện và lăng tẩm các vua ở Huế, từ vua Gia Long đến vua Tự Đức. Ông Bogaert đã nhanh chóng biến nó thành nhà máy xi-măng hiện đại mà lợi nhuận thu được đã giúp ông xây những tòa nhà đầu tiên của Grand Hôtel de Hué năm 1901, sau đó thuộc quyền sở hữu của ông Guérin cũng vào năm 1901. Khi được chuyển nhượng cho gia đình Morin năm 1906, Grand Hôtel đã đón tiếp những người Pháp hiếm hoi của thủ đô, như các kỹ sư và kỹ thuật viên làm việc cho ngành xây dựng đường sắt và nhà ga Huế.
Như vậy Wladimir Morin đã mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động từ ông Guérin năm 1906, mặc dù tòa nhà chính đã bị hư hại từ trận bão năm 1904.
Cùng năm ấy ở Huế, Wladimir đã làm quen với ông Derobert có vợ người Việt Nam, ông là một nhà công nghiệp trong ngành tơ của Lyon và độc quyền buôn bán tơ lụa với An Nam. Wladimir nhanh chóng phải lòng cô con gái Jeanne duy nhất của họ. Và cuộc hôn nhân giữa Wladimir và Jeanne ở Lyon năm 1914 đã mang lại cho công ty Morin một cơ nghiệp thật sự.
Những « Cơ sở Anh em Morin » ở Tourane (Đà Nẵng) và ở Huế đã được nhân rộng, với sự ra đời của các khách sạn Morin Bà Nà (khu nghỉ dưỡng trên núi ở phía tây Đà Nẵng), Morin Quy Nhơn, Nha Trang và Bạch Mã (khu nghỉ dưỡng trên núi ở phía tây Huế). Anh em Morin thành công đến nỗi mua lại phần lớn các tòa nhà bằng đá của thành phố. Từ năm 1930 và cho đến đầu cuộc chiến, chúng ta có thể nói rằng hầu như toàn bộ những người châu Âu sống ở Huế hay quá cảnh ở Huế đều được gia đình Morin đón tiếp.
Khách sạn Morin nhanh chóng trở thành trung tâm hoạt động thương mại, văn hóa và du lịch của thủ đô Huế thời vua Nguyễn. Cũng cần nói rằng vị trí đặc quyền của khách sạn là nhân tố quan trọng để thành công. Khách sạn tọa lạc ở vị trí trung tâm và nổi bật của Huế, trên “Quan Lộ” bên bờ Sông Hương, ngay trước đầu cầu Trường Tiền và ở gần các tòa nhà công và các trung tâm giải trí của người phương Tây: mặt Tây hướng thẳng đến Tòa Khâm sứ (Résidence Supérieure) và khu vườn. Hội Dân sự, Câu lạc bộ thể thao, Ngân hàng Đông Dương, Ban Công Chính và Công viên thành phố chỉ cách đó vài bước chân.
Tòa nhà này trở thành “siêu thị” đầu tiên, có khả năng đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng . “Tổng đại lý các mặt hàng tiêu dùng” của khách sạn đã trưng biểu ngữ “Chúng ta có thể được sinh ra trong một chiếc nôi của Morin và chết trong một chiếc quan tài của Morin”.
Chúng ta cũng nên tưởng tượng để hình dung bầu không khí bao trùm khách sạn giữa hai cuộc chiến: các nhân vật nổi tiếng tề tựu ở đây khi trời vừa tối để uống rượu khai vị hoặc nhân dịp đại tiệc đón tiếp một vị khách nổi tiếng. Trong cuốn sổ vàng không may đã bị thất lạc, khách sạn đã lưu lại những chữ ký lừng danh : các thống chế Joffre và Foch ; André Malraux ; Sylvain Lévy ; Léopold Cadière ; Pierre Pasquier ; Charly Chaplin, quốc vương Lào, Sisowath ; Louis Finot ; J.Y. Claeys ; Paul Reynaud, v.v.
Khách sạn Morin cũng đã từng là một địa điểm văn hóa. Rạp chiếu phim thơ mộng Cinéma Morin đầu tiên của thành phố nằm bên trong tòa nhà chính, ở vị trí của phòng Hội thảo hiện nay. Thư viện ở đây cũng luôn thu hút đông đảo độc giả.
Cô Amélie Morin, người quản lý không mệt mỏi, đã kết hôn cùng bác sĩ quân y Albert Sallet, quản đốc bảo tàng Chàm Đà Nẵng, nhà sáng lập trạm khí tượng Bà Nà. Albert Sallet cùng với Léopold Cadière đã dùng một phòng ngủ của khách sạn để làm văn phòng của Hội đoàn tri thức Pháp – Việt đầu tiên, đó là Hội Đô Thành Hiếu Cổ, đã từng là một trung tâm tích cực trong công tác bảo tồn các phong cảnh ở Huế và vùng phụ cận trong những năm từ 1914 đến 1944.
Cuối cùng, khách sạn Morin còn là văn phòng du lịch của vùng, văn phòng thư tín của ngành du lịch Đông Dương. Vậy là khách sạn đã từng là xuất phát điểm trực tiếp của các chuyến tham quan và du ngoạn. Như vậy, trong những tháng nóng nhất, khách sạn tổ chức các chuyến đi đến núi Bà Nà, trạm khí tượng do bác sỹ Albert Sallet thành lập ở cách Huế chừng 60 km, rất được nhiều người lớn tuổi ở Đông Dương biết đến. Anh em nhà Morin đã xây dựng ở đó một khách sạn – nghỉ dưỡng rất được ưa chuộng.
Năm 1925, một thảm kịch xảy đến làm lu mờ hạnh phúc của Wladimir : Jeanne qua đời ở tuổi 29. Cô được chôn cất ở Nghĩa trang Phú Cam, nơi Wladimir đến yên nghỉ năm 1943, ở tuổi 64
Ba người con trai của Jeanne và Wladimir : Henri, René và Edmond, đã kế tục quyền quản lý Grand Hôtel Morin de Hué, dù gặp nhiều khó khăn do thời gian Nhật chiếm đóng và Chiến tranh. Từ ngày 20/12/1946 đến 5/2/1947, khách sạn Morin là một trong những doanh trại được bảo vệ nghiêm ngặt hoặc nơi tập trung các công dân và quân nhân Pháp bị quân cách mạng Việt Nam vây hãm. Sau sự kiện này, khách sạn đã bị phá hủy và bị đốt cháy một phần. Tháng 7/1951, nhà Morin ký kết văn bản bán cơ sở cho một doanh nhân Việt Nam, chấm dứt 44 năm quản lý của gia đình.
Từ 1951 đến 1995, tòa nhà đã trải qua nhiều nỗi gian truân và tiếp tục chịu đựng những sự hủy hoại do khí hậu, thiếu sự bảo dưỡng và nhất là do chiến tranh. Chẳng hạn năm 1968, trong đợt “Tổng tấn công Tết Mậu Thân”, khách sạn đã một lần nữa bị tổn thất nặng nề trong trận đánh này tại Huế; đây là một trong những trận đánh dài và đẫm máu nhất của chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam.
Năm 1957, tòa nhà này được sử dụng làm trụ sở của Đại Học Huế. Năm 1989, sau khi chuyển giao cho các văn phòng du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, tòa nhà lại một lần nữa là khách sạn hạng xoàng, đón tiếp các khách tây ba lô và khách du lịch tự do. Lịch sử của Grand Hôtel của Wladimir và Jeanne dường như kết thúc.
Nhưng đầu những năm 1990, khi đất nước mở cửa với thương mại thế giới, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế hiểu rằng có thể thu được lợi nhuận nếu làm ngành du lịch sống lại ở vùng đất Cố Đô, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới năm 1993. Năm 1994, Tổng công ty du lịch Sài gòn (Saïgontourist) đã dành được quyền tái thiết khách sạn.
Năm 1995, cháu nội của bà Amélie Morin đã được ông Ngọc Ánh, giám đốc khách sạn, đón tiếp ngay bên trong khách sạn đang dược trùng tu. Cuộc đối thoại kéo dài 3 ngày giữa hai người đã quyết định phục hồi các mối liên hệ giữa ban giám đốc cũ và mới của khách sạn, giữa lịch sử của quá khứ và hiện tại của khách sạn.
Những cán bộ phụ trách công trình trùng tu đã chú trọng đến các ý kiến liên quan đến bảo tồn cấu trúc cũ. Mặt khác, họ cũng chấp nhận lấy tên người sáng lập đặt cho khách sạn. Sự hợp tác giữa những người đại diện cũ và mới của khách sạn được củng cố những năm tiếp theo bởi ba sự kiện. Năm 1998, dựng tượng bán thân của Wladimir Morin ở khách sạn. Năm 2001, tiếp đón chính thức vị giám đốc cuối cùng của khách sạn thời thuộc địa, ông Edmond Morin, 79 tuổi cùng gia đình. Năm 2004: Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã chuyển giao cho khách sạn các bức ảnh về chuỗi khách sạn Morin xưa và vẻ tráng lệ huy hoàng của Huế hồi đầu thế kỷ 20. Việc trưng bày thường xuyên các bức ảnh hiếm hoi này đã đem đến cho khách sạn một dấu ấn mới. Với 25.000 lượt khách hàng năm, khách sạn trở thành Bảo tàng được viếng thăm nhiều nhất ở Huế. 500 bức ảnh và tượng bán thân của Wladimir thường được du khách quan tâm bậc nhất, trước khi nhận phòng khách sạn của mình.
Khách sạn đã không hối tiếc về sự hòa hợp lịch sử này vì hàng nghìn khách nói tiếng Pháp và những người từng làm việc ở Đông Dương đã chọn khách sạn để lưu trú. Về phần lưu trú, sự thành công trong thương mại đã cho phép khách sạn xây thêm một tầng, nâng tổng số phòng lên 180 như hiện nay. Đôi vợ chồng Jeanne và Wladimir chắc hẳn không thể mơ tưởng tốt hơn có giấc mơ tươi đẹp hơn về nơi kết nối cuộc đời, tình yêu và sự nghiệp của họ; họ có may mắn khi thấy ký ức của mình được tôn vinh và tên tuổi của mình được bảo tồn trong một đất nước chỉ mới thoát khỏi chiến tranh nửa thế kỷ. Họ cũng sẽ không hối tiếc khi được chôn cất bên nhau và nhìn mộ phần luôn nở hoa và được bảo dưỡng bởi khách sạn mới: đó cũng là niềm vinh hạnh của khách sạn